“Cơn khát” nhân lực ngành công nghệ thông tin

Ảnh minh họa

Tham dự buổi tọa đàm, ông Cái Đăng Sơn – đại diện Navigos Group (đơn vị sở hữu Vietnamworks InTECH – thương hiệu việc làm ngành công nghệ thông tin trên trang tuyển dụng VietnamWorks.com) nhận định nhu cầu tuyển dụng IT nói riêng và nhân sự ngành CNTT nói chung đã tăng tới 4 lần trong thập kỷ qua. Trong đó, lực lượng kỹ sư công nghệ thông tin, lập trình viên, và nhất là các nhà phát triển lĩnh vực công nghệ mới như blockchain, AI… đang được cực kỳ săn đón, bởi nhu cầu áp dụng công nghệ và chuyển đổi số hiện tại trong các doanh nghiệp là rất lớn. Có thể thấy, ngân hàng, bảo hiểm, tài chính là những mảng đang rầm rộ tuyển dụng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là trong khi việc đón nhận dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ ngày càng nhiều, thị trường lại ghi nhận sự thiếu hụt nhân sự chất lượng ngành CNTT làm cho “Cơn khát” nhân lực ngành công nghệ thông tin . Giải thích về điều này, theo ông Sơn, làm việc trong ngành CNTT rất áp lực vì công nghệ đổi mới không ngừng, đòi hỏi nhân sự phải chạy theo, liên tục cập nhật kiến thức. “Nguồn cung giới hạn dẫn đến lương cho nhân sự ngành này luôn ở mức cao. Sẵn sàng mở hầu bao song nhiều đơn vị cũng chưa chắc tuyển được người như ý”, ông Sơn nhận định.

Trước thực trạng thiếu nhân lực, ông Cái Đăng Sơn cho rằng việc tăng lương để hút nhân tài chỉ là biện pháp ngắn hạn. Điều doanh nghiệp nên làm là chú trọng đến các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ lập trình viên. Rủi ro của quá trình này là nhân sự có thể “nhảy việc” khi đã thành thạo kỹ năng để đến những đơn vị có mức lương cao hơn.

Để hạn chế tình trạng này, doanh nghiệp cần tạo ra sự liên kết với người lao động. “Doanh nghiệp nên đóng vai trò định hướng phát triển sự nghiệp cho đội ngũ kỹ sư của mình. Điều này sẽ mang tới một sự gắn kết mang tính chất dài hơi từ hai tới ba năm. Nếu không, nhân sự rất dễ rời đi sau một năm thành thạo công việc”, đại diện Navigos Group chia sẻ.

Bên cạnh đó, để không bị lạc hậu trước sự phát triển như “vũ bão” của công nghệ, những người làm trong ngành phải luôn trong tư thế chủ động học hỏi liên tục, phát triển các kỹ năng toàn diện cũng như khả năng linh hoạt với mọi biến đổi. Đặc biệt, nhân sự công nghệ chất lượng cao là đối tượng được săn đón của tất cả các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới, chứ không phải chỉ riêng Việt Nam. Vì thế, các đơn vị tuyển dụng hiện nay đặc biệt chú trọng kỹ năng giải quyết vấn đề và kinh nghiệm của ứng viên. “Học ở trường nào, bằng cấp nào đều không quan trọng, vì lĩnh vực này công nghệ mới liên tục”, ông Sơn nhận định.